Giới Thiệu

1. Vị trí địa lý:

Kỳ Thượng, là xã miền núi phía Bắc của thành phố Hạ Long, có diện tích tự nhiên 9.780,16 ha. Trong đó đất lâm nghiệp 9.169,6 ha, đất nông nghiệp 32,41 ha, đất phi nông nghiệp 575,85 ha. Xã có 3 thôn, gồm: thôn Khe Lương, thôn Khe Tre, thôn Khe Phương. Toàn xã có 223 hộ dân với 850 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 98%; xã nằm cách trung tâm thành phố 60 km, phía Đông giáp với xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ; phía Nam giáp với các xã Đồng  Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình của thành phố Hạ Long; phía Tây giáp với xã Đồng Sơn của thành phố Hạ Long; Phía Bắc giáp với xã Đạp Thanh, Thanh Sơn của huyện Ba Chẽ. Nên có tiềm năng trở thành trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội giữa các vùng với nhau. Nghề nghiệp chính của nhân dân là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và kinh doanh dịch vụ.

 2. Lịch sử của xã:

Trước cách mạng tháng 8/1945 Kỳ Thượng ngày nay có tên Thượng Bình, thuộc xã Lưỡng Kỳ Thượng, tổng Tứ Xuyên, huyện Hoành Bồ. Nơi đây là một khu rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý như: Lim, Sến, Táu, Trầm Hương nhiều loại cây dược liệu quý như: Ba Kích, cây Ngũ Gia Bì, cây Hoàng Bá, cây Hà Thủ Ô... và các thú rừng như: Hươu, Nai, Sơn Dương, Gấu, Hổ, Báo, chó Sói, Gà rừng, Gà Lôi, Cầy, Khỉ, Vượn, Nhím, Tê Tê...Sau cách mạng tháng 8/1945, cả nước giành chính quyền, nhưng Kỳ Thượng vẫn chưa thành lập được chính quyền mới. Bên cạnh đó những phần tử xấu cấu kết với bọn phản động thường xuyên cướp bóc và giết hại dã man người Dao trong khu vực; do đó mọi người vẫn phải duy trì cuộc sống du canh, du cư phát nương làm rẫy, săn bắt thú rừng, không có ruộng để canh tác nên cuộc sống đói, rét vẫn đeo đẳng và diễn ra hàng năm, phải đào củ Mài, củ Nâu, củ Chuối, củ Măng để ăn thay cơm hàng ngày. Đến năm 1951,1952 xã Lưỡng Kỳ Thượng được lấy tên chính thức là Kỳ Thượng .  

3. Điều kiện tự nhiên:

Kỳ Thượng là một xã miền núi phía Bắc của thành phố Hạ Long có độ rừng che phủ đến 85% diện tích, đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên nằm trong quần thể rừng Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn, Kỳ Thượng xã có lợi thế về quân sự, rừng núi hiểm trở, có núi Tiên Sơn, các thác nước khe suối sâu: Các dãy núi có độ cao từ 650- 700m so với mực nước biển, có nhiều thác nước cao dưới những cánh rừng nguyên sinh, nguồn nước sạch.. thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao thanh phán (chiếm trên 98,6%) tạo nên các bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây với các phong tục, tập quán, trang phục, ẩm thực còn được lưu giữ và phát triển.

4. Điều kiện kinh tế- xã hội của xã

  Kinh tế phát triển vào những năm trước đây số hộ nghèo và cận nghèo của xã luôn ở mức cao, để giảm được tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng NTM đòi hỏi sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự nỗ lực, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM và kết hợp với nhiều chương trình mục tiêu khác, trên địa bàn xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm. Thực hiện đánh giá chấm điểm thôn văn hoá cấp (huyện) thành phố của địa phương mấy năm gần đây cho thấy, tỷ lệ hộ có điều kiện kinh tế khá đã tăng lên. Đến nay tỷ lệ hộ khá đạt khoảng 70%, một số hộ phát triển kinh tế thu nhập từ 100 triệu đến trên 500 triệu đồng/năm. Qua đó cho thấy mức thu nhập của người dân được tăng lên, năm 2010 mức thu nhập bình quân đầu người của địa phương mới chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm, đến nay đã tăng lên gấp gần 5 lần, đạt 51,2 triệu đồng/ người /năm.

5. Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Kỳ Thượng, Thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Số điện thoại: 02033. 542.032

Hòm thư điện tử: UBNDXKT.HB@gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 133