Bác Hồ trọn nghĩa, vẹn tình với thương binh, liệt sỹ

Không chỉ thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sỹ, tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sỹ còn được thể hiện trong các bài nói, bài viết của Người.

Trong thư gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” 27/7/1947, Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh”.

Trách nhiệm chăm lo đời sống thương binh

Theo Bác, thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy và ngày 27/7 là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện mẹ Nguyễn Thị Suốt, người anh hùng đã chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ (Quảng Bình) dưới bon đạn Mỹ (30/12/1966)

Bác viết trong thư: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127,00)”.

Gửi thư thăm anh em thương binh và bệnh binh tháng 7/1948, Bác viết: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù hoàn toàn bị tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công.

Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên những người chiến sĩ kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn nhớ đến các đồng chí”.

Bác rất quan tâm, lưu ý các cơ quan có trách nhiệm chăm lo tới đời sống thương binh. Trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh phát động phong trào đón thương binh về làng tháng 7/1951, Người nhắc: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy. Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”.

Bác gợi ý: “Mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp một thời gian (…). Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ao ước báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”.

“Tàn nhưng không phế”

Người cũng lưu ý anh em thương binh, bệnh binh phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật, chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng, sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất…

Câu nói “Các chú tàn nhưng không phế” của Bác trong buổi đón giao thừa ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội năm 1956 vừa là lời nhắc, vừa là lời động viên các thương binh vươn lên khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Tháng 6/1957, trong thư gửi anh em thương binh, bệnh binh Trại an dưỡng Hà Nam, Bác viết: “Các chú là những chiến sỹ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng...”.

Ghi nhận công ơn các anh hùng, liệt sỹ

Trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sỹ ở Ba Đình (Hà Nội) ngày 31/12/1954, Người nói: “Các liệt sỹ hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sỹ thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong nước. Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ muôn đời lưu truyền sử xanh”.

Trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã căn dặn nhiều điều hệ trọng về công tác lao động, thương binh và xã hội. Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sỹ, thì mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét...” (Bản viết tháng 5/1968).

75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn “Ngày Thương binh” - 75 năm trọn nghĩa vẹn tình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, gắng sức đền ơn, đáp nghĩa những người có công với nước. Các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp thêm ngọn lửa của tình đoàn kết và lòng yêu nước trong các thế hệ kế tiếp.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đảng ủy - HĐND - UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội xã Kỳ Thượng tổ chức thăm hỏi, động viên, tri ân gia đình Liệt sỹ Lý Tiến Hình, địa chỉ thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long.

(Theo nguồn báo đầu tư)Tổng hợp: Nguyễn Đức Thanh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1